Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quê mới

Đã có nhiều bài viết xúc động về sự hồi sinh kỳ diệu của miền tây Gio Linh, vùng đất được hình thành từ các làng xã của người Hải Lăng. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, bụi thời gian đã phủ mờ bao kiếp nhân sinh, nhưng mỗi lần nhắc lại những người trong cuộc vẫn cảm thấy rưng rưng.

Sự hình thành các làng xã của người Hải Lăng trên vùng đất thuộc miền tây huyện Gio Linh diễn ra vào cuối năm 1975 và nửa đầu năm 1976. Năm 1975, sau đại thắng mùa xuân, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất, với tầm nhìn chiến lược, ngày 22/8/1975, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ra Nghị quyết về bố trí lại dân cư và lao động ở các vùng miền của tỉnh và nhấn mạnh: “Phải điều chỉnh lại mật độ dân cư, di chuyển một bộ phận dân lên khai thác thế mạnh vùng trung du, miền núi là yêu cầu rất cấp thiết và có ý nghĩa về nhiều mặt”. Đây là một chủ trương hợp với lòng dân, được nhân dân tỉnh nhà đồng tình ủng hộ.

Về mặt địa lý, miền tây Gio Linh thuộc hạt tổng Bái Trời, châu Minh Linh xưa nổi tiếng với những địa danh mang màu sắc huyền thoại như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Nam Đông, Cù Dinh, BaZe, Trạng Rôông... Trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền tây Gio Linh là một chiến trường khốc liệt, từng diễn ra những trận đánh lớn giữa ta và địch. Để bám giữ vùng đất chiến lược này, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã xây dựng ở đây một phòng tuyến quân sự mạnh với hệ thống hàng rào điện tử, ken dày lô cốt, bong-ke và ném xuống vùng đất này hàng vạn tấn bom đạn các loại, kể cả chất độc hóa học. Sau chiến tranh, nhiều nơi thuộc miền tây Gio Linh được mệnh danh là “vùng đất chết”. Do đó, việc đưa dân lên khai thác thế mạnh vùng trung du miền núi khôi phục sự sống và sản xuất cho vùng đất tây Gio Linh là nhiệm vụ cấp thiết.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Trị, Huyện ủy Hải Lăng đã tổ chức vận động nhân dân đăng ký tham gia đi xây dựng kinh tế mới ở miền tây huyện Gio Linh. Hơn 11.000 nhân khẩu của các xã thuộc huyện Hải Lăng có mật độ dân cư đông đúc, ruộng đất sản xuất hạn chế đã tình nguyện lên xây dựng kinh tế mới ở miền tây huyện Gio Linh, hình thành nên ba xã là Hải Bình, Hải Trung và một số nhập với dân bản địa thành lập xã Hải Thái. Đến năm 1992, sau khi huyện Gio Linh được tái lập, hai xã Hải Bình, Hải Trung được sáp nhập thành xã Linh Hải.

Người dân Linh Hải vốn xuất thân là một bộ phận trong cộng đồng dân cư thuộc các xã Hải Hòa, Hải Tân, Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Thành, Hải Ba, Hải Thiện, Hải Phúc, Hải Quế... của huyện Hải Lăng, là những vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử và tinh thần đấu tranh cách mạng. Trải qua nhiều thế hệ, người Hải Lăng có truyền thống đoàn kết, luôn sát cánh bên nhau để chống chọi thiên tai, địch họa và chống giặc ngoại xâm. Cán bộ và nhân dân Hải Lăng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Hải Lăng còn là quê hương của các danh nhân lịch sử, văn hóa tiêu biểu như Đặng Dung, tiến sỹ Bùi Dục Tài, Nguyễn Trừng, cố nhạc sỹ Trần Hoàn... Văn hóa ẩm thực của người Hải Lăng có bánh ướt làng Phương Lang, rượu gạo Kim Long, nước mắm Mỹ Thủy, canh ám làng Lam Thủy, mắm đam Trà Trì, cháo bánh canh làng Diên Sanh... Văn hóa văn nghệ có hò Như Lệ, hò đập bắp ở Thượng Xá, nhạc cổ truyền Phú Hải, các trò chơi dân gian như bưng đá làng Hưng Nhơn, bắt lươn làng Trường Phước, hội cù Đơn Quế và đua thuyền, vật, đẩy gậy...

Với truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, nhân dân Linh Hải luôn trân trọng giữ gìn và coi đó là tài sản tinh thần nguồn động lực to lớn, là hành trang trên bước đường chinh phục miền đất mới tây Gio Linh, với bao khắc nghiệt của thiên nhiên và hậu quả nặng nề của chiến tranh để xây dựng nên một quê hương Linh Hải vạm vỡ và tươi xanh như hôm nay.

Trên địa phận của xã Linh Hải có đường tỉnh lộ 73 nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh dài 9,5km, đường 74 và các trục đường liên xã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu và phát triển kinh tế hàng hóa trong khu vực. Linh Hải còn có các ao hồ tự nhiên, đặc biệt là hồ chứa nước Trúc Kinh có diện tích mặt nước 25ha góp phần quan trọng tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống của con người cũng như phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Linh Hải có 2.015 ha đất tự nhiên trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.642,7 ha. Toàn xã có 663 hộ với 2.670 nhân khẩu, trong đó có 1.500 người trong độ tuổi lao động.

Kinh tế Linh Hải ngày nay chủ yếu dựa vào kinh tế gò đồi, trồng cây lâu năm và phát triển theo mô hình trang trại, gia trại. Một bộ phận người dân Linh Hải vẫn gắn bó với nghề trồng lúa, làm bún, làm đậu phụ, mắm đam, chằm nón... lưu giữ nét văn hóa truyền thống của quê hương Hải Lăng trên vùng quê mới. Xác định lâm nghiệp, kinh tế gò đồi là trọng điểm, nhân dân Linh Hải tích cực trồng cây gây rừng, phát triển cây cao su tiểu điền. Với 395,6 ha rừng trồng, 347,5 ha cao su tiểu điền đã làm nên một điều kỳ diệu phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo độ che phủ trên 60% so với diện tích đất tự nhiên. Độ che phủ của rừng đã dung dưỡng cho đất màu mỡ để người dân cấy trồng bội thu, nhà nhà no ấm.

Hành trình tìm lại màu xanh cho đất đã minh chứng sức bền bỉ, không khuất phục trước những hiểm họa chiến tranh của người dân Linh Hải trên bước đường chinh phục vùng đất mới. Chương trình cải tạo vườn tạp được thực hiện theo hướng bền vững với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, măng bát độ và các loại cây ăn quả như bơ, nhãn, xoài, cam, chanh, bưởi, tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế theo mô hình vườn hộ. Hiện toàn xã có trên 60 mô hình kinh tế gia trại của người dân thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Tổng giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đạt 15 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và các ngành nghề truyền thống chiếm 30% tổng thu nhập toàn xã.

Sản xuất đổi mới, kinh tế phát triển, Linh Hải đã đầu tư 32 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như kiên cố hóa đường giao thông, đập thủy lợi, trường học, trạm xá, công trình nước sạch, xây dựng nhà văn hóa. Ngoài ra, xã Linh Hải còn huy động sự đóng góp của dân để xây dựng các thiết chế văn hóa như cổng chào, bảng tin, cụm loa truyền thanh, thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các trò chơi dân gian như bưng đá, bắt lươn, hội cù, đẩy gậy, đua thuyền để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Toàn xã Linh Hải có 12/12 làng và 2 đơn vị trường học đạt danh hiệu làng văn hóa, đơn vị văn hóa cấp huyện, trong đó 5 làng được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, 98% số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa. Đặc biệt xã Linh Hải đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trở thành điểm sáng của miền tây Gio Linh trong thời kỳ đổi mới.

Bà Nguyễn Thị Lịch - nguyên Bí thư Chi bộ xã Hải Bình cuối năm 1975, Bí thư Đảng bộ xã Linh Hải sau này bồi hồi nhớ lại: “Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đang dự lớp bồi dưỡng chính trị do Huyện ủy Hải Lăng tổ chức, tôi và các đồng chí Hồ Quang Bài, Đào Bá Lức, Lê Kháng, Nguyễn Văn Lịch, Hồ Xuân Tả, Hồ Thị Thông... được Đảng ủy các xã điều động về nhận công tác đưa dân ra xây dựng kinh tế mới ở miền tây huyện Gio Linh. Là những đảng viên trẻ, chưa lập gia đình, chúng tôi sẵn sàng lên đường với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng khi đặt chân đến miền tây Gio Linh, chúng tôi thật sự bàng hoàng trước sự tàn phá của bom đạn chiến tranh đối với mảnh đất này. Hố bom chồng hố bom, đầu đạn, mìn chống tăng ken dày với mảnh bom, dây kẽm gai, vật liệu nổ và bời bời tranh cỏ. Mặc dầu gặp nhiều trở ngại trong buổi đầu lập nghiệp, nhưng được sự hỗ trợ trực tiếp của Ban kinh tế mới của huyện Hải Lăng, sự cưu mang, đùm bọc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Gio Linh, nên nhân dân Linh Hải đã sớm ổn định đời sống sinh hoạt, bắt tay khai hoang để khôi phục sản xuất. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn, kể cả hy sinh xương máu để có được thành quả như ngày hôm nay.”

Còn ông Hồ Xuân Tả - nguyên Chủ tịch xã Linh Hải thì vẫn còn nhớ như in những ngày đầu khốn khó trên vùng đất mới. Ông cho biết: Những ngày đầu sau chiến tranh, nhân dân Hải Lăng ra sức xây dựng kinh tế mới, nhân dân các xã vùng lúa, vùng biển của huyện Gio Linh được điều động lên khai thác thế mạnh vùng trung du miền núi, nên nhân khẩu tăng, đời sống lương thực vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thời điểm đó mỗi gánh sắn củ nặng 60kg có thể đổi được một chỉ vàng, vì sắn là nguồn lương thực chủ yếu, gạo rất hiếm, chỉ người ốm mới được ăn cơm. Nhu cầu lương thực bức bách đến như vậy, nhưng việc khôi phục lại sản xuất không hề dễ dàng. Mặc dầu được sự hỗ trợ của lực lượng công binh huyện đội Gio Linh, nhưng đợt khai hoang nào cũng xảy ra thương vong. Có đợt cả xã có 19 người thiệt mạng, 11 người bị thương. Một số người hoảng sợ bỏ trốn về quê cũ, hoặc vào các tỉnh miền Nam sinh sống. Chi bộ lại phân công đảng viên đến từng nhà để động viên, ổn định tư tưởng cũng như chỉ đạo Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ tổ chức các hoạt động văn nghệ để động viên tinh thần của nhân dân. Đêm đến, trong các khu dân cư ở Xuân Đông, Xuân Tây, Thượng Đồng, Thượng Đại, Thiện Nhân, Thiện Đức, Thành Hòa, Thành An... (những tên gọi ở quê cũ được người dân Hải Lăng mang theo đặt cho nơi ở của mình trên vùng quê mới), lại vang lên những điệu hò, câu hát, tiếng cười của quê hương Hải Lăng góp phần xua đi những nhọc nhằn, lo âu của cuộc sống hàng ngày. Nhờ vậy, nên mặc dầu hiểm nguy rình rập, máu vẫn đổ, nhưng lòng người không nãn chí cùng nhau chung tay xây dựng quê hương mới.

Song hành với quá trình đi xây dựng vùng kinh tế mới, tạo lập xóm làng, các thiết chế văn hóa sinh hoạt cộng đồng đã được người dân Linh Hải quan tâm xây dựng. Dù ngày nay, Linh Hải là một vùng bán sơn địa, nhưng những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của vùng đồng bằng Hải Lăng vẫn được người dân Linh Hải trân trọng giữ gìn và phát huy. Đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân Linh Hải khá phong phú và đa dạng, thể hiện rõ nhất là tục thờ cúng ông bà, tổ tiên và tổ chức các lễ hội văn hóa cộng đồng. Những hoạt động này luôn gắn liền với những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương Hải Lăng. Truyền thống đó còn có sự giao thoa, kết hợp với văn hóa bản địa của vùng đất Gio Linh tạo thành một nét đẹp riêng của người dân Linh Hải trong đời sống văn hóa tinh thần.

Từ ngày người dân Hải Lăng đặt chân lên vùng đất tây Gio Linh đến nay đã hơn 40 năm. Đất vẫn bao dung, ưu ái để cho người dân Hải Lăng tạo dựng xóm làng, xây dựng nhà cửa, sinh con đẻ cái để nối tiếp giống nòi. Những gì đất dâng hiến còn là bài học về lòng nhân từ và độ lượng của người dân Gio Linh đối với người dân Hải Lăng trong buổi đầu chinh phục vùng đất mới.

 

N.N.P

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground