Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Kho báu" của Kôn Hưm

TCCV Online - Đôi vai ông Kôn Hưm, tên gọi khác là Hồ Văn Phiêng (sinh năm 1940), trú tại bản Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, huyện Đakrông vẫn còn trĩu nặng nỗi lo cơm áo. Vậy mà, đối với bà con địa phương, ông luôn là người “giàu có” nhất bản, là bởi người nghệ nhân ưu tú này đang sở hữu một “kho báu” vô cùng đặc biệt.

Giữ gìn cho mai sau

 Nhà ông Kôn Hưm nằm giữa bản Tà Rụt 2. Nhìn từ trên cao xuống, ngôi nhà sàn đơn sơ như chiếc nhuỵ của bông hoa quý mọc giữa đại ngàn. Xưa kia, vì say tiếng đàn, tiếng hát của Kôn Hưm mà bà con dựng nhà, lập vườn quanh nơi ông ở. Tối tối, dân bản lại tìm đến nhà người nghệ nhân tâm huyết để nhóm lửa, cùng nhau cất vang làn điệu Xiêng, Tăng Y, Cà lơi Cha chấp… hòa với thanh âm của khèn bè, sáo Tirel, đàn A Man… Cứ thế, mọi vất vả, mệt nhọc cùng nỗi buồn trong cuộc sống như bị cuốn trôi. Cho tới hôm nay, vì yêu tiếng đàn, tiếng hát và tấm lòng của Kôn Hưm, một số người vẫn thường xuyên gõ cửa nhà ông.

 Đến giờ, các bậc cao niên bản Tà Rụt 2 vẫn nhớ như in ngày đầu trở về quê hương sau chiến tranh. Lúc ấy, thấy bản làng tiêu điều, xơ xác nhưng bà con không nản lòng. Điều duy nhất khiến họ lo nghĩ là các nhạc cụ truyền thống mà ông cha để lại chẳng còn nữa. Lâu nay, đối với người Pa Kô, tiếng đàn, tiếng hát đóng vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, khi một đứa trẻ chào đời hay ai đó trong bản nhắm mắt từ trần thì nhất quyết phải có tiếng cồng chiêng. Như cơ duyên đã định sẵn, Kôn Hưm khoác ba lô trở về bản đúng vào thời điểm bà con đang mang nhiều nỗi trăn trở. Sau khi đến chào già làng, trưởng bản, chàng trai Pa Kô chạy ngay đi tìm nền nhà cũ, rồi cẩn thận đào xới từng lớp đất. Không như tưởng tượng của mọi người, Kôn Hưm lấy lên từng chiếc cồng, chiếc chiêng... Thì ra, tiên lượng trước những điều có thể xảy ra trong chiến tranh nên người nghệ nhân tâm huyết đã đưa một số nhạc cụ kim loại cất giấu. Riêng khèn bè, đàn A Man, sáo Tirel…, ông có thể chế tác bất cứ lúc nào.

 Từ câu chuyện ấy, tất cả người dân bản Tà Rụt 2 đều dành tình cảm đặc biệt cho Kôn Hưm. Tiếng nói của người nghệ nhân nặng lòng với bản làng ngày càng có trọng lượng. Thực ra, trước kia, một vài người dân vẫn cho rằng, Kôn Hưm có chút gì đó lập dị. Trong khi cuộc sống còn nhiều gian khó, ông vẫn quên ăn, quên ngủ để chế tác, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Hễ có ít tiền, chàng trai người Pa Kô lại rong ruổi khắp các bản làng xa xôi, thậm chí qua Lào để học cách chế tác, sử dụng nhạc cụ truyền thống. Có lần ông lấy những tài sản quý của gia đình chỉ để đổi chiếc cồng, chiếc chiêng. Ít ai biết, từ lâu, Kôn Hưm nuôi hai tâm nguyện. Thứ nhất, ông có thể chế tác, sử dụng tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của người Pa Kô. Thứ hai bản thân sẽ xây dựng thành công một “bảo tàng nhạc cụ dân tộc” thu nhỏ của gia đình. “Từ nhỏ, bố mẹ đã hướng dẫn cho tôi cách sử dụng, chế tác nhạc cụ truyền thống. Ông bà thường bảo, đây là hồn cốt của dân tộc, phải cố gắng giữ gìn. Sau này, càng gắn bó với các loại nhạc cụ dân tộc, tôi càng thấy sức mạnh đặc biệt của nó. Đôi khi, chỉ một tiếng đàn cũng đủ làm người ta khóc, cười. Vì thế, tâm nguyện thời son trẻ của tôi chủ yếu xoay quanh tiếng đàn, tiếng hát”, ông Kôn Hưm nói như dốc cả nỗi lòng.

Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, ở cái tuổi 78, điều khiến Kôn Hưm hạnh phúc nhất là đã thực hiện được tâm nguyện của tuổi trẻ. Không những thế, tiếng đàn, tiếng hát còn giúp ông lấy được người phụ nữ xinh đẹp, thảo hiền - Kăn Hưm. Ông khẳng định, bà là người duy nhất “chịu đựng” được sự đam mê quá lớn của mình. Hơn thế, bà còn sinh cho ông 5 người con gái, 2 người con trai. Sống dưới mái nhà tranh ấm áp, chẳng biết từ bao giờ, tình yêu âm nhạc của ông đã truyền sang vợ con, rồi cả cháu chắt. Chỉ riêng gia đình ông đã có thể thành lập một đội nghệ nhân.

 Niềm vui cuối đời

 Gặp ông Kôn Hưm, ấn tượng đầu tiên là mái tóc đã trắng bạc và nước da màu đồng hun. Ông khỏe hơn nhiều so với cái tuổi 78 của mình. Kôn Hưm nói, có lẽ nhờ tiếng đàn, tiếng hát mà mình mới được khoẻ mạnh như thế này. Nói rồi, người nghệ nhân cao tuổi khẽ lấy chiếc khèn bè không một chút bụi xuống, tặng chúng tôi nhạc khúc “Kết bạn”. Bà Kăn Hưm ôm đứa cháu ngồi bên cạnh, cười hiền bảo: “Ông ấy hiếm khi để chiếc khèn bè nghỉ ngơi. Đây là nhạc cụ đầu tiên, ông ấy chế tác được đấy. Còn bài “Kết bạn”, Kôn Hưm chỉ thổi tặng khách quý mà thôi”.

 Vừa nghe tiếng khèn bè dập dìu, chúng tôi vừa nhìn xung quanh ngôi nhà sàn của nghệ nhân Kôn Hưm. Ngoài những nhạc cụ truyền thống, ngôi nhà không có tài sản gì giá trị. Vậy mà trước khi đến đây, có người mách miệng rằng, Kôn Hưm “giàu” nhất bản. Tôi trộm nghĩ, có lẽ do người dân nơi đây không cân đo sự giàu có bằng tiền bạc, nhà cao, cửa rộng? Chia sẻ với Kôn Hưm, ông cười, nói bà con nghĩ vậy không sai. Nói về đời sống tinh thần, Kôn Hưm rõ ràng là một trong những người giàu có nhất bản. Về vật chất, có người trả cho ông khoản tiền lớn, thậm chí hứa sẽ sửa chữa giúp căn nhà này chỉ với mong muốn được Kôn Hưm chuyển nhượng lại một số nhạc cụ. “Thời gian qua, tôi đã tặng và bán nhiều loại nhạc cụ mà mình chế tác được. Thế nhưng, có một số nhạc cụ quý, hiếm, được ông cha để lại thì người ta trả giá cao đến đâu cũng quyết không bán đi”, Kôn Hưm khẳng định.

  Thực ra, ở đại ngàn miền tây tỉnh Quảng Trị, không phải ai cũng bền bỉ bảo tồn, gìn giữ các loại nhạc cụ truyền thống như Kôn Hưm. Từng có thời điểm, vì nhiều lý do, một số người dân ở bản Tà Rụt 2 và khu vực lân cận đã bán, đổi chác các nhạc cụ truyền thống, trong đó có những chiếc cồng, chiêng được gìn giữ qua nhiều đời. Một thực tế khác là lớp thanh niên thời hiện đại say mê ti vi, đài, điện thoại... hơn nhạc cụ dân tộc. Được bà con tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội nghệ nhân của xã, thời gian đầu Kôn Hưm ăn ngủ chẳng yên. Không quản ngại khó khăn, ngày ngày, ông cùng những nghệ nhân uy tín khác đi từng ngõ, gõ từng nhà chia sẻ với con cháu về nét đẹp văn hóa của người Pa Kô mở lớp dạy sử dụng, chế tác các loại nhạc cụ; tập luyện văn nghệ cho các hội thi, hội diễn… Rất nhiều lần, ông Kôn Hưm và các nghệ nhân cao tuổi khác đưa thanh thiếu niên bản vào Nam, ra Bắc để biểu diễn, quảng bá những nét đẹp văn hoá tốt đẹp của người Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn.

 Nỗ lực của Kôn Hưm sớm được đền đáp. Nhiều bạn trẻ hiện nay nhận thức sâu sắc rằng những nhạc cụ, ca khúc truyền thống chính là kho báu của dân tộc. Một số thanh thiếu niên còn tìm đến nhà ông nhờ hướng dẫn cách sử dụng, chế tác các loại nhạc cụ mà ông cha dày công gìn giữ. Đáng mừng hơn nhiều người dân trong bản còn nối bước Kôn Hưm tìm đến bản làng gần xa để sưu tầm các nhạc cụ dân tộc. Một số cá nhân cũng học ông làm “bảo tàng” thu nhỏ ở gia đình. Điều ấy khiến Kôn Hưm rất hạnh phúc. Niềm vui càng nhân lên khi mới đây, ông trở thành một trong hai đại diện tiêu biểu của vùng cao được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

 Mặt trời xuống dần sau núi dãy núi, điệu khèn “Tiễn bạn” do nghệ nhân Kôn Hưm thổi tặng như níu chân chúng tôi, không nỡ rời xa chốn đại ngàn. Tôi hỏi Kôn Hưm về những điều còn khiến ông trăn trở, ông nói: “Giờ thì tôi tạm yên lòng rồi. Sau này, “kho báu” của tôi cũng như nhiều nghệ nhân khác ở bản Tà Rụt 2 chắc sẽ không bị lãng quên, mất đi hay thất truyền nữa, chắc chắn thế!”.

 Q.H

Nguồn Báo Quảng Trị

Quang Hiệp

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground