Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chèo cạn làng Tùng

Hàng trăm năm trước ở vùng hạ lưu sông Hiền Lương (ranh giới hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh) đã xuất hiện bài vè nói về những đặc điểm riêng biệt của các làng xóm sống rải rác hai phía hữu ngạn và tả ngạn: “Văn chương Xuân Mị / Lý sự Thủy Khê / Làm thuê Cẩm Phổ / Ở lổ Thủy Bạn / Chèo cạn làng Tùng / Yêng hùng Di Loan / Gian nan Phước Lý / Làm đĩ Tân Sài / Nói hoài không hết”...

Trong bài vè này có câu “Chèo cạn làng Tùng” là nói về một đặc điểm, chính xác hơn là một loại hình văn hóa dân gian của làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Làng Tùng Luật là một trong 65 làng cổ ở Quảng Trị đã được Tiến sĩ Dương Văn An viết “Tùng Luật giỏi chài lưới” trong tác phẩm Ô châu cận lục. Qua đó ta biết Tùng Luật là một làng chài làm nghề đánh cá trên sông biển nên gắn với sinh hoạt văn hóa “chèo cạn” (diễn trò chèo đò trên cạn) cũng là hợp lẽ.

Theo các vị cao niên kể lại thì ông tổ của chèo cạn là cụ Nguyễn Hữu Như Bá sinh năm 1840, người làng Tùng Luật làm nghề thuốc hay ra vào kinh đô Huế và các tỉnh miền Trung, có lúc vào tận lục tỉnh Nam Bộ tìm mua các loại thuốc quý chữa bệnh. Trên đường hành nghề cụ Bá được xem nhiều gánh hát tuồng (hát bội) ở các địa phương, nhiều nhất là các tỉnh Khu 5. Xem rồi say, say rồi tự mầy mò học hỏi, lâu dần đã nắm bắt được các làn điệu cơ bản của dân ca miền Trung và biết sử dụng một số nhạc cụ dân tộc, để rồi sau đó về làng chọn người con trai, hai em gái và một số người trong làng, xã gồm các ông Nguyễn Như Tính, Trần Dỏ (về sau là nhạc công ca Huế Đài Tiếng nói Việt Nam), Lê Não, Võ Cháu, Phùng Ngấn, Trần Nớng, Ba Mè (bố của NSND Châu Loan),... để lập ra gánh hát tuồng đầu tiên ở phủ Vĩnh Linh thời đó. Vừa là ông chủ vừa là nhạc công, đạo diễn, cụ Bá dựng được mấy vở tuồng “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Lục Vân Tiên”, “Đào tam xuân loạn trào”... đem đi biểu diễn ở các phủ, huyện trong tỉnh Quảng Trị, có lúc ra ngoài tỉnh Quảng Bình hoặc vào kinh đô Huế đều được nhân dân rất mến mộ.

Thuở ấy gánh hát của cụ Bá thực sự đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong vùng và thu nhập cho 16 thành viên. Phấn khởi, vui mừng trước thành quả ấy, thể theo nguyện vọng của 12 dòng họ trong làng, cụ Bá tiếp tục cho lập đội chèo cạn trên cơ sở con người và cơ sở vật chất (trang phục biểu diễn, nhạc cụ, đạo cụ...) của gánh hát mua sắm được từ nhiều năm trước. Vào thời điểm này gánh hát của cụ Bá thực hiện hai chức năng: Ở địa phương nào có nhu cầu thì tổ chức lưu diễn hát tuồng phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và có thêm thu nhập; đồng thời vào dịp lễ hội, cúng tế của làng như lễ hội cúng tổ, lễ hội cầu ngư (cầu mùa), lễ tang v.v... thì diễn trò chèo cạn phục vụ đời sống tâm linh của cộng đồng.

Chèo cạn là loại hình nghệ thuật hát múa nhằm chuyển tải những nội dung như lời cầu nguyện, chúc phúc, tri ân... của dân làng đến các vị thần linh, các bậc tiền nhân hoặc của con cháu đến ông bà cha mẹ lúc quy tiên. Nội dung ấy được thể hiện bằng hát và múa. Về hát, người ta thường sử dụng một số làn điệu dân ca Bình Trị Thiên như hò hụi, hò khoan, hò đưa linh, hò kéo thác, mái xắp, vè..., khi hát được dàn nhạc bát âm đệm. Về múa, đội hình múa chèo cạn gồm 15 diễn viên: 1 đóng vai chèo lái, 1 vai chèo mũi, 1 vai tát nước và 12 bả trạo (bả là nắm, trạo là chèo đò). Để đảm bảo cho trò diễn thật ấn tượng, hấp dẫn, toàn bộ ê-kíp phải tập luyện công phu, thuần thục, từng động tác chèo thuyền, nhịp bước... chuẩn xác, đẹp mắt, lời ca phải mượt mà, truyền cảm, trang phục đạo cụ phải rực rỡ, lộng lẫy. Dàn nhạc gồm các nhạc cụ dân tộc: đàn nguyệt, đàn tranh, nhị, sáo, kèn sôna... phải chơi thật uyển chuyển, cung bậc chuẩn mực. Bắt đầu vào cuộc, điệu hò hụi, hò khoan của người hò “cái” vang lên rộn rã, mọi người hưởng ứng hát theo.

Hôm nay lễ hội tưng bừng

Tiếng chuông tiếng trống làng Tùng ngân vang

Cầu cho phơi phới mùa màng

Dân an vật lợi xóm làng khang ninh

Hoặc:

Cầu cho vào lộng ra khơi

Thuận phòng đắc lợi tiền tài bội thêm

Cầu cho nữ tú nam thanh

Văn thăng võ tấn hiển vinh tháng ngày...

Trong lúc hát những người diễn làm động tác chèo thuyền, lái thuyền phụ họa, có lúc làm động tác tát nước trong thuyền ra hay xua đuổi cá vào lưới rất sống động. Hòa nhịp với người diễn, bà con cô bác đứng xem vỗ tay tán thưởng tạo nên không khí rộn ràng, náo nức, sôi nổi. Tiếp sau bài hát múa chèo cạn là múa hoa đăng. Các cô gái trong bộ trang phục dân tộc rực rỡ nâng đèn hoa nhịp nhàng, bước đi uyển chuyển, nhẹ nhàng dịch chuyển xuống chiếc thuyền trang trí đẹp nhất đậu dưới bến kịp cho thuyền rời bến chở các cô gái tiếp tục điệu múa theo nhịp chèo trên sông nước lung linh. Khi xưa lúc thuyền ra khỏi bến khoảng dăm chục mét pháo trên thuyền được châm ngòi, nổ giòn tan, tiếng pháo râm ran cả khúc sông hòa cùng tiếng hát, xác pháo hồng mặt nước; đó là thông điệp báo tin vui, năm đó mùa màng tấn tới, tôm cá đầy khoang, dân làng no đủ, an vui.

Hát múa chèo cạn ngoài việc phục vụ lễ hội còn được vận dụng vào nghi lễ các đám hiếu cũng là một sáng tạo của các nghệ nhân làng Tùng Luật. Ở đây người hò “cái” phải diễn xướng múa chèo cạn lúc ở nhà tang chủ, lúc đưa linh, lúc đắp mồ ở nghĩa địa và giai điệu lời hát lúc này khắc khoải nhớ thương:

Vấn vương cái nghĩa cái tình

Thương người đã khuất nên mình lệ rơi

Nhớ khi vào lộng ra khơi

Chém sóng bửa gió lưng phơi nắng trời...

Từ khi thành lập đội chèo cạn, năm nào làng Tùng Luật cũng một, hai lần mở lễ hội và các lần đó đội chèo cạn được dịp phục vụ hết mình đem đến cho bà con làng xã niềm tin vui, hạnh phúc. Đến năm 1947 khi mặt trận Huế vỡ, quân Pháp đánh chiếm Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh trở thành vùng tạm chiếm, mọi người dân đều phải tập trung nỗ lực cao nhất cho kháng chiến giành độc lập nên đội chèo cạn phải tạm ngừng hoạt động rồi bị thất truyền khoảng trên 50 năm. Cho mãi đến năm đầu tiên của thế kỷ XXI (2000), cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ái Chủng, cháu đích tôn của cụ tổ chèo cạn làng Tùng Nguyễn Hữu Như Bá mới có điều kiện khôi phục. Ông Nguyễn Ái Chủng nguyên là thiếu tá đoàn trưởng - đạo diễn đoàn nghệ thuật Bộ Chỉ huy quân sự Bình Trị Thiên sau khi nghỉ hưu được mấy năm liền tập trung toàn bộ sức lực và một phần đồng lương hưu khiêm tốn để gây dựng lại đội chèo cạn. Được UBND xã Vĩnh Giang và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Linh khuyến khích, giúp đỡ, ông liên tiếp mở hai lớp dân ca Bình Trị Thiên, ca Huế, trực tiếp truyền dạy miễn phí cho con cháu trong làng và các xã bạn. Từ trong số học viên ấy ông chọn được 20 người là dân làng Tùng Luật trong đó có em trai, con gái, con rể và cháu nội của ông để tái lập đội chèo cạn. Còn nhớ xưa kia cách đây khoảng 150 năm khi lập gánh hát tuồng, người ông nội của ông Chủng cũng đã chọn người con trai trưởng của mình là Nguyễn Như Giản và hai con gái là Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Hòa làm những diễn viên đầu tiên của gánh hát. Đây là một gia đình có truyền thống bốn đời hoạt động nghệ thuật (chuyên nghiệp và nghiệp dư).

Vào ngày rằm tháng 2 âm lịch hàng năm làng tổ chức lễ hội cầu mùa, dân các làng hai bên bờ sông Hiền Lương kéo về bến đò B Tùng Luật (di tích lịch sử cấp quốc gia) đông như trẩy hội để xem múa hát chèo cạn tưng bừng, náo nhiệt suốt cả ngày. Tiếng vang của hát múa chèo cạn làng Tùng còn vượt xa khỏi nơi đã sản sinh ra nó. Nhiều tang gia hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh biết tiếng vẫn mời đội chèo cạn về nhà phục vụ nghi lễ đám hiếu thêm phần trọng thể. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin trong một lần về thăm làng Tùng Luật sau khi được xem biểu diễn hát múa chèo cạn đã khen: Hiếm có một làng quê nào có được phong cảnh sơn thủy hữu tình lại sở hữu một di sản văn hóa dân gian độc đáo như ở đây. Bà con phải cố gắng gìn giữ và phát huy nó ngày một tốt hơn. Những năm qua, 25 thành viên trong đội chèo cạn luôn cố gắng hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy chính quyền và bà con yêu mến, trân trọng. Trước khi Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ái Chủng qua đời ông luôn canh cánh nỗi lo sau khi mình ra đi liệu có duy trì được chèo cạn, rồi nếu tiếp tục hoạt động thì tìm ai là người thay thế ông đảm nhận phần việc đánh trống chỉ huy vốn là việc khó nhất của dàn nhạc. Nỗi lo, sự trăn trở của ông đã được toàn đội chung sức chung lòng tháo gỡ. Nghệ nhân cao tuổi Lê Thanh Hiền phụ trách hát chính. Ông Nguyễn Xuân Nhật (em trai kế Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ái Chủng) là người hát trợ tiếp. Khó nhất là nhạc công đánh trống cũng đã tìm được ông Trần Hồng Phước thay thế và ông Phước đã làm rất tốt việc được giao. Riêng nhạc công chơi các loại đàn nhị, nguyệt, bầu, tranh... thì do nghệ nhân Nguyễn Minh Thai đảm trách, chưa đào tạo thêm được ai. Điều mà đội chèo cạn làng Tùng băn khoăn trăn trở nhất là lớp trẻ bây giờ đa phần thích nhạc trẻ không mấy mặn mà với múa hát chèo cạn và nguồn kinh phí để tổ chức truyền dạy cũng rất khó khăn nên chẳng biết sau này còn giữ được lâu bền không?

Nhận thức rõ điều này nên hiện nay làng Tùng Luật, từ chính quyền địa phương đến các thành viên đội chèo cạn đang nỗ lực hết mình, tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả, từng bước vượt qua những khó khăn, trở ngại duy trì hoạt động thường xuyên. Để làm được điều đó họ đang rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành nhiều hơn nữa để gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật từ bao đời nay gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân ở một làng chài Quảng Trị.

T.B

Trần Biên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 283 tháng 04/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground