Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ánh sáng niềm tin

Bốn mươi lăm mùa xuân đã đi qua, nhưng mỗi lần tết đến xuân về, trong cái náo nức, hy vọng năm mới với bao điều tốt lành, yên vui, cán bộ và nhân dân sống ở hai bên bờ Bắc - Nam sông Bến Hải luôn nhớ đến cảm giác hồi hộp, mừng vui đến vỡ òa trước ánh điện rực rỡ, huy hoàng trên đỉnh cột cờ Hiền Lương vào thời khắc giao thừa tết Quý Sửu năm 1973.

Những năm gần đây, sau khi về nghỉ chế độ, tôi đã cố gắng đi tìm các nhân chứng lịch sử để tìm xem những ai đã dũng cảm bám trụ địa bàn đầu cầu Hiền Lương trong lúc máy bay và pháo hạm Mỹ đánh phá dữ dội, để đảm bảo ánh điện 500w được tỏa sáng trên đỉnh cột cờ Hiền Lương vào thời khắc giao thừa tết Quý Sửu năm 1973, nhưng vẫn chưa tìm được. Nhiều người trong đội ngũ cán bộ, công nhân, phóng viên của Đài Truyền thanh khu vực Vĩnh Linh như ông Nguyễn Quốc Việt, ông Lê Văn Cớ, ông Trần Luật, ông Vũ Hồng Sơn, ông Đỗ Công Tích... nay cũng đã về thế giới bên kia. Tôi đã tìm gặp các vị nguyên là lãnh đạo Đài Truyền thanh khu vực Vĩnh Linh giai đoạn chống Mỹ cứu nước như ông Ngô Phước Lan, hiện cư trú tại chợ Do, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Linh; ông Hoàng Kim Hạc, hiện cư trú tại thôn Mai Lộc III, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Lâu quá rồi chú ạ! Chỉ còn nhớ trong thời khắc giao thừa tết Quý Sửu năm đó, máy bay pháo hạm Mỹ đánh phá rất dữ ở hai đầu cầu Hiền Lương, nhưng trên đỉnh cột cờ Hiền Lương lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay trong ánh sáng rực rỡ của bóng điện 500w. Già lắm rồi, chẳng còn nhớ nổi những ai tham gia mắc bóng điện và vận hành máy phát điện, máy tăng âm vào đêm giao thừa đó nữa...”

Cho đến những ngày cuối năm 2017, tình cờ trong một lần đến thăm cơ quan cũ, tôi được anh Lê Trung Thành, Trưởng đài Truyền thanh huyện Vĩnh Linh cho biết: Bác Cao Lãnh Hùng ở xóm 10, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nguyên là công nhân của Nhà Đèn (cơ quan điện lực) Vĩnh Linh, vừa rồi vào thăm chiến trường xưa có ghé thăm Đài và kể lại kỷ niệm trong những năm sống, công tác, chiến đấu ở Vĩnh Linh. Đặc biệt là kỷ niệm về việc được lãnh đạo Nhà Đèn cử sang tăng cường cho Đài Truyền thanh khu vực để chạy máy phát điện, đảm bảo nguồn sáng cho khu vực cầu Hiền Lương trong đêm giao thừa. Bác Cao Lãnh Hùng còn để lại địa chỉ, số điện thoại và cả bài thơ sáng tác ngay trong đêm giao thừa tết Quý Sửu năm 1973.

Tôi rất mừng và ngay ngày hôm sau, theo số điện thoại, tôi đã liên hệ với bác Cao Lãnh Hùng. Sau khi biết tôi đã từng công tác ở Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, đang có ý định viết về sự kiện ánh điện trên đỉnh cột cờ Hiền Lương vào đêm giao thừa tết Quý Sửu 1973, bác rất vui và chậm rãi chia sẻ: Năm 1973, sau chiến thắng của chiến dịch giải phóng Quảng Trị, cũng như trận “Điện Biên phủ trên không” ở Hà Nội, thế và lực của Mỹ - ngụy đã suy yếu rất nhiều, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta đang bước vào giai đoạn tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước. Để động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, nhân dân trong toàn Khu vực, đặc biệt là bộ đội, dân quân và đồng bào của các xã ở hai bờ sông tuyến, Thường vụ Khu ủy Vĩnh Linh chỉ thị cho Đài Truyền thanh phối hợp với Nhà Đèn Vĩnh Linh lúc bấy giờ, vừa phải đảm bảo tiếng loa thông suốt, vừa phải thắp sáng khu vực cầu Hiền Lương. Đặc biệt là đỉnh cột cờ trong đêm giao thừa.

Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Khu ủy, Nhà Đèn đã cử ông Cao Lãnh Hùng, thợ điện lực 5 sang tăng cường cho Đài Truyền thanh. Đài Truyền thanh Khu vực Vĩnh Linh thành lập tổ công tác đặc biệt gồm các ông: Vũ Hồng Sơn, Hoàng Kim Hạc, Lê Đức Toàn và Cao Lãnh Hùng là những công nhân kỹ thuật dây, kỹ thuật điện dày dạn kinh nghiệm, do ông Cao Lãnh Hùng làm tổ trưởng. Sau khi thành lập, tổ công tác đặc biệt đến kho của Đài nhận máy phát điện 6KW của Pháp, 5 dây cáp IFF của Liên Xô và các thiết bị chiếu sáng khẩn trương tập kết về trạm tăng âm Hiền Lương, đặt tại thôn Liêm Công Phường, xã Vĩnh Thành, cách cột cờ Hiền Lương 1,5 km. Ngày 31 - 1 - 1973 (nhằm ngày 28 tết) cả tổ khẩn trương lắp đặt máy phát điện và theo đường giao thông hào ở giữa đồng rải 2km đường dây điện từ trạm tăng âm đến cột cờ Hiền Lương. Ngày 1 - 2 - 1973 (nhằm ngày 29 tết) tổ công tác liên hệ với Đồn công an vũ trang xin được đưa cờ xuống để leo lên mắc cáp IFF và bóng 500w ở đỉnh cột cờ vì để nguyên cờ trên đỉnh thì gió đánh quá mạnh, cộng thêm sức nặng của thiết bị làm cho cột lung lay không thao tác được, lại mất an toàn. Được sự chấp thuận của Đồn công an vũ trang, chỉ trong ba tiếng đồng hồ, tổ công tác của Đài đã hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị chiếu sáng trên đỉnh cột cờ Hiền Lương và thượng cờ lên. Ngày 2 - 2 - 1973 (nhằm ngày 30 tết), ông Cao Lãnh Hùng cho chạy máy phát điện để thử tải, nhưng vì quá nặng tải nên điện rất yếu. Trước sự cố trên, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của trên, mãi đến 18 giờ tối ngày 30 tết, tổ mới nhận được quyết định chỉ mắc một bóng điện 500w trên đỉnh cột cờ.

Để tạo sự bất ngờ, đồng thời tránh sự đánh phá của địch, đúng 22 giờ 30 phút, tổ công tác của Đài mới đóng điện, bóng điện 500w trên đỉnh cột cờ bật sáng như một điều kỳ diệu xảy ra trong đêm 30 tết. Đêm 30 tết Quý Sửu 1973 khu vực cầu Hiền Lương có rất đông người, bộ đội hành quân, dân quân hỏa tuyến bốc gạo lên xe để chuyển vào chiến trường, lực lượng giao liên của Mặt trận B5, đồng bào nhân dân các xã ở hai bờ sông tuyến và đồng bào miền Nam ra sơ tán, nên khi bóng điện 500w trên đỉnh cột cờ Hiền Lương bật sáng cả hai bờ sông Bến Hải dậy lên trong tiếng vỗ tay, hò reo không ngớt. Bởi vì, đây là lần đầu tiên sau những đêm dài trường kỳ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân, bộ đội và đồng bào miền Nam ra sơ tán được nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, huy hoàng trên đỉnh cột cờ Hiền Lương và hình ảnh cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay trong gió xuân như niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Đến 23 giờ 30 phút đêm 30 tết, máy bay do thám của địch phát hiện được báo cho máy bay OV10, L19 pháo hạm của Mỹ từ biển đánh phá. Dù máy bay, pháo hạm của địch đánh phá ác liệt, nhưng tổ công nhân kỹ thuật của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh vẫn kiên cường bám máy, bám đường dây tải điện, dây phi-đơ đảm bảo cho bóng điện trên đỉnh cột cờ luôn tỏa sáng, nhân dân đôi bờ Hiền Lương được nghe chương trình đón giao thừa của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Vĩnh Linh. Đặc biệt, đúng thời điểm giao thừa, nhân dân, bộ đội ở hai bờ Nam - Bắc và đồng bào Triệu Phong, Hải Lăng ra sơ tán được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam trân trọng phát lại thơ chúc tết của Bác Hồ gửi đồng bào chiến sỹ cả nước vào giao thừa năm 1969:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”

Như sự tiên đoán của Người, năm 1973 sau khi Hiệp định Pari được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào giai đoạn tổng phản công. Và với sức mạnh như triều dâng thác đổ của cuộc tiến công và nổi dậy, với bước chân thần tốc của đội quân cách mạng, đúng 11 giờ 30 ngày 30 - 4 - 1975 miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất. Và ánh điện rực rỡ trên đỉnh cột cờ Hiền Lương vào thời khắc giao thừa tết Quý Sửu 1973 đã trở thành ánh sáng niềm tin của quân dân cả nước.

Giờ đây, nhiều cán bộ và nhân dân hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải vẫn nhớ mãi ánh sáng rực rỡ, huy hoàng trên đỉnh cột cờ Hiền Lương vào thời khắc giao thừa năm ấy, thời khắc mà bác Cao Lãnh Hùng đã xúc động viết trong bài thơ “Ánh sáng niềm tin”.

Nhớ tết cổ truyền năm bảy ba

Phát thanh đất Vĩnh sử lưu dài

Phi cơ bắn phá dù man rợ

Tàu chiến pháo bầy dẫu sởn gai

Bờ Bắc đỉnh cờ vầng ánh điện

Bờ Nam trận địa tỏa tin đài

Cơ quan tiếng Đảng mùa xuân ấy

Chiến thắng hai miền dậy tương lai

Riêng người viết bài này càng cảm nhận sâu sắc hơn chất anh hùng và hào hoa của cán bộ, nhân dân Vĩnh Linh nói chung, cán bộ, công nhân của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh nói riêng trên vùng đất một thời tuyến lửa...

N.N.P

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 283 tháng 04/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground